Liên hoan nghệ thuật cắm hoa Ikebana quốc tế Wa Ikebana tại Melbourne có sự tham dự của 20 nghệ sĩ cắm hoa Ikebana trường phái Sofu đến từ Nhật Bản, các nghệ sĩ đến từ Indonesia, Malaysia và nhiều nước khác, với hơn 60 tác phẩm. Trong đó, đoàn Việt Nam tham gia với 7 tác phẩm trưng bày tại triển lãm, 2 tác phẩm trình diễn, 1 tác phẩm tham dự cuộc thi hoa cưới.
Tại Liên hoan nghệ thuật cắm hoa quốc tế năm nay, nghệ sĩ cắm hoa Nguyễn Thanh Hiền mang tới tác phẩm sắp đặt với chủ đề “bầu trời và mặt đất”. Qua tác phẩm này, tác giả muốn gửi đến khán giả tình yêu thiên nhiên sâu sắc qua tác phẩm.
Nguyễn Thanh Hiền là giáo viên Ikebana cấp độ 3 có hoạt động giảng dạy trực thuộc Hiệp hội giáo viên trường Trường Sogetu ikebana Tokyo (STA). Cô từng làm kỹ sư điện tử viễn thông trong một thời gian dài cho đến quyết định trở thành một giáo viên Ikebana với tình yêu nghệ thuật sâu sắc. Cô đã giành nhiều giải cao trong cuộc các thi và triển lãm ikebana của lễ hội triển lãm Wa ikebana vài năm trước với tư cách là một học viên ikebana.
Là giáo viên dạy cắm hoa Ikebana, chị Nguyễn Thị Thanh Hiền cho biết: “Trong văn hóa Nhật Bản có từ hanakotoba dùng để chỉ ngôn ngữ của hoa, có nghĩa bất kỳ một màu sắc, hình dáng, tên gọi nào của mỗi loài hoa đều phản ánh những ý nghĩa riêng. Ikebana còn gọi là kado – hoa đạo, trong tiếng Nhật có nghĩa là mang lại sự sống cho hoa”.
Cũng theo chị Hiền, ở Nhật, đã có một thời gian dài Ikebana chỉ được truyền bá trong tầng lớp cao quý với nhiều quy tắc, quy định cầu kỳ về hoa lá, bình lọ và cả nội thất nơi trưng bày tác phẩm… Vì thế, khi biết đến Ikebana hiện đại, tức trường phái Sogetsu, chị Hiền đã ấp ủ mong ước “Việt hóa” loại hình nghệ thuật này trong lớp học của mình.
Chị Hiền cũng đạt được những giải thưởng ấn tượng như Giải Vàng Ikebana quốc tế 2020, Giải Đồng Ikebana quốc tế 2020 và Giải People choice Ikebana quốc tế 2019.
“Với Ikebana, tôi áp dụng triết lý Wabi Sabi của người Nhật, tức thấy cái đẹp trong những điều không hoàn hảo, như lũa. Không cần phải sử dụng những nguyên liệu ngoại nhập, tôi cũng có thể cắm bằng bất kể bình lọ nào và đặt bình hoa bất kỳ đâu… Đặc biệt, thay cho những bình hoa làm bằng gốm sứ, bình hoa chế tác từ lũa sẽ mang lại cảm giác an hoà mộc mạc và có độ bền vững hơn”, chị Hiền nói.
Nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản hay còn được gọi là Ikebana đã có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước. Bắt nguồn từ một nghi lễ dâng hoa cho Đức Phật, Ikebana đã trở thành một nét nghệ thuật độc đáo không thể thiếu trong văn hóa của người dân xứ mặt trời mọc. Ikebana hiện đại (Sogetsu) cho phép người nghệ sĩ tự do sáng tạo và thể hiện ý tưởng một cách đương đại hơn mà vẫn giữ được những triết lý sống sâu sắc của môn nghệ thuật hoa đạo ikebana. Hài hoà, trân trọng, thấu hiểu, rung động với cái đẹp của thiên nhiên.
Nghệ thuật Ikebana diễn đạt vẻ đẹp về sức sống tiềm ẩn của cỏ cây hoa lá trong các giai đoạn phát triển của đời sống thực vật. Qua việc thực hành cắm hoa, nghệ thuật này mang thiên nhiên tới gần hơn với đời sống thường ngày, giúp người thực hành hiểu và khám phá vẻ đẹp của cỏ cây hoa lá và có cái nhìn an hòa, tĩnh tại hơn trong đời sống.
Mỗi bình hoa theo trường phái Ikebana giống hệt một bức tranh hay tác phẩm điêu khắc sống động. Với các chất liệu gồm hoa, cành lá và bình cắm được lựa chọn cẩn thận. Vẻ đẹp tinh tế của Ikebana thể hiện qua sự cân bằng, bố cục và sự giản dị, mang đến cho người ngắm cảm giác thanh bình và thư thái.
Trải qua nhiều thế kỷ, Ikebana vẫn tiếp tục phát triển và hình thành nhiều trường phái khác nhau. Đến nay, có 4 kiểu cắm phổ biến nhất thường được áp dụng là Rikka, Shoka, Moribana và Freestyle.