Buổi cà phê đầu tháng 4 kỳ này của chúng tôi không phải là phỏng vấn – trò chuyện như thường lệ mà chỉ là buổi ngồi ngắm các sản phẩm và nghe chủ nhân nói chuyện. Câu chuyện về một vật liệu đặc biệt với những sản phẩm trang trí nội thất độc bản: gỗ lũa.
Gỗ lũa là phần lõi ở gốc của các cây cổ thụ khô sau khi bị chết. Khi tất cả các phần khác của thân cây bị phân hủy tự nhiên bởi thời gian, bởi sự xói mòn của mưa, nắng, bị phân hủy bởi tác động sinh học như mối, mọt… thì vẫn có những phần lõi gỗ tồn tại. Những phần lõi gỗ cuối cùng không thể bị phân hủy đó được gọi là lũa. Đặc trưng của gỗ lũa là rất cứng, không bao giờ bị mối mọt xâm hại, không thể bị phân hủy tự nhiên. Về đặc chủng loài thì đa số gỗ lũa được tạo nên bởi các loại gỗ quý, hiếm như nghiến, đinh hương, lim, sến, táu… hoặc các cây cổ thụ lâu năm nên có vân gỗ, thớ gỗ tự nhiên rất đẹp. Như vậy, về tự nhiên, có thể nói, lũa là chất liệu gỗ quý, hiếm, trường tồn.
Giá trị của gỗ lũa là độ bền và chịu tác động hàng chục, thậm chí hàng trăm năm của thiên nhiên hoang dã và đương nhiên là quý hiếm.
Anh Nguyễn Thanh Hải, đồng chủ nhân cửa hàng bán các sản phẩm trang trí nội thất bằng gỗ lũa cho biết, gỗ lũa mà anh đang khai thác có nguồn gốc từ Nghệ An. Những công nhân khai thác rừng hợp pháp ở các lâm trường nếu phát hiện thấy gỗ lũa sẽ thu gom theo mối và báo tới cho xưởng của anh chị. Từ nguồn lũa nguyên liệu đó, qua chế tác sẽ thành những sản phẩm nội thất độc đáo.
Nhưng sự thực thì câu chuyện tìm đến và bén duyên với gỗ lũa không chỉ ngắn gọn và đơn giản như vậy.
Người tìm đến gỗ lũa trước là chị Nguyễn Thị Thanh Hiền – người Huế sinh sống ở Hà Nội. Hiền đến với lũa như là một cái duyên. Từ bé ở Huế, Hiền đã yêu thích cắm hoa. Năm học lớp 12, Hiền có dịp được tham gia đoàn học sinh đi giao lưu tại Nhật. Ở đó, Hiền đã tiếp xúc và đam mê cách cắm hoa thiền của Nhật gọi là Ikebana. Ikebana có triết lý hoa đạo là hoa sống: mô tả được tinh thần, vẻ đẹp của thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên… Từ đam mê này, Hiền nhận thấy bình cắm hoa Ikebana thường là kim loại, gốm, tre những chưa có ai làm bằng gỗ. Thanh Hiền gặp chất liệu lũa một cách tình cờ khi đi tìm nguyên liệu gỗ để làm bình hoa. Chất liệu lũa có thể chế tạo để tạo ra công năng thuận theo dáng tự nhiên, tôn trọng theo kiểu dáng cấu trúc, thớ gỗ tự nhiên, phù hợp với triết lý của Ikebana. Một số những khối gỗ lũa có khe hở được anh Hải sử dụng kỹ thuật epoxy để khắc phục. Hiền là người phụ trách thiết kế ra các sản phẩm bằng các ý tưởng sáng tạo dựa trên dáng vóc các khối lũa thô để hình thành ra các công năng sản phẩm mà vẫn giữ đường nét tự nhiên của lũa.
Người tìm đến gỗ lũa trước là chị Nguyễn Thị Thanh Hiền – người Huế sinh sống ở Hà Nội. Hiền đến với lũa như là một cái duyên. Từ bé ở Huế, Hiền đã yêu thích cắm hoa. Năm học lớp 12, Hiền có dịp được tham gia đoàn học sinh đi giao lưu tại Nhật. Ở đó, Hiền đã tiếp xúc và đam mê cách cắm hoa thiền của Nhật gọi là Ikebana. Ikebana có triết lý hoa đạo là hoa sống: mô tả được tinh thần, vẻ đẹp của thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên… Từ đam mê này, Hiền nhận thấy bình cắm hoa Ikebana thường là kim loại, gốm, tre những chưa có ai làm bằng gỗ. Thanh Hiền gặp chất liệu lũa một cách tình cờ khi đi tìm nguyên liệu gỗ để làm bình hoa. Chất liệu lũa có thể chế tạo để tạo ra công năng thuận theo dáng tự nhiên, tôn trọng theo kiểu dáng cấu trúc, thớ gỗ tự nhiên, phù hợp với triết lý của Ikebana. Một số những khối gỗ lũa có khe hở được anh Hải sử dụng kỹ thuật epoxy để khắc phục. Hiền là người phụ trách thiết kế ra các sản phẩm bằng các ý tưởng sáng tạo dựa trên dáng vóc các khối lũa thô để hình thành ra các công năng sản phẩm mà vẫn giữ đường nét tự nhiên của lũa.
Thanh Hải không phải là dân học mỹ nghệ bài bản từ đầu. Anh học kinh tế luật và marketing, nhưng đam mê và theo nghề thủ công mỹ nghệ của gia đình từ năm 1999. Hai anh chị quen nhau qua các hoạt động của diễn đàn nhiếp ảnh. Hiền chia sẻ các đam mê về gỗ lũa và Hải mới tìm hiểu lũa và cùng Hiền phát triển các sản phẩm kết hợp lũa với các vật liệu của xưởng mình. Hải nhanh chóng tìm thấy ở chất liệu này những giá trị đặc biệt. Gỗ lũa cứng, bền, có rỗng có đặc. Gỗ lũa là gỗ đã chết nhưng sự sống thì vẫn có thể tạo ra được. Với kinh nghiệm về nghề thủ công, Hải đã gia thêm giá trị cho gỗ lũa. Gỗ lũa có thể làm tiểu cảnh, làm tượng Phật hoặc kết hợp vừa là sản phẩm trưng bày bằng gỗ thêm tượng Phật và tiểu cảnh. Gỗ lũa nếu thêm epoxy có thể tạo ra công năng mới như đèn, bình hoa.
Chị Thanh Hiền cho biết, khi bắt đầu quá trình sáng tạo nghệ thuật, người làm phải giữ được đường nét tự nhiên của cây gỗ. Khâu quyết định hình thù cho tác phẩm gỗ lũa cũng rất quan trọng đòi hỏi phải cân nhắc rất nhiều vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ cũng như giá trị của sản phẩm sau này. Kể cả với những người lâu năm, công đoạn này cũng chưa bao giờ là đơn giản.
Điểm chính trong việc chế tác gỗ lũa chính là tất cả các công đoạn hoàn toàn được làm thủ công. Nếu quá trình làm thủ công với các loại gỗ thông thường thiên về chạm trổ trên mặt gỗ để tạo hình dáng thì ở gỗ lũa lại không có quá trình chạm trổ này. Gỗ lũa được giữ nguyên mặt và thớ, người thợ chỉ dựa theo chiều thuận tự nhiên để chế tác thêm công năng và tạo dáng, chính vì thế các tác phẩm là độc nhất, không giống nhau hoàn toàn. Tùy theo cấu trúc của gỗ lũa nguyên bản và mắt thẩm mỹ cùng óc sáng tạo của nghệ nhân mà mỗi tác phẩm gỗ lũa lại có vẻ độc đáo riêng biệt và điều đó đã tạo nên giá trị nghệ thuật của gỗ lũa.
Chính vì sự quý hiếm, độ bền và chịu tác động hàng chục, hàng trăm năm của thiên nhiên hoang dã mà gỗ lũa có giá trị rất cao. Những nghệ nhân đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để sáng tạo ra những sản phẩm gỗ lũa mang tính nghệ thuật cao, thu hút đặc biệt giới sưu tầm đồ lũa.
Chính vì sự quý hiếm, độ bền và chịu tác động hàng chục, hàng trăm năm của thiên nhiên hoang dã mà gỗ lũa có giá trị rất cao. Những nghệ nhân đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để sáng tạo ra những sản phẩm gỗ lũa mang tính nghệ thuật cao, thu hút đặc biệt giới sưu tầm đồ lũa.
Chất liệu quý hiếm, sản phẩm là độc bản, không thể sản xuất hàng loạt nên số lượng bán không nhiều. Những người am hiểu chất liệu, có cùng triết lý thiền mới nhận thấy giá trị từ sản phẩm mỹ nghệ bằng lũa. Lũa là chất liệu trường tồn có thể có tuổi mấy chục đến hàng trăm năm. Tìm được lũa đã khó, chế tác được sản phẩm từ lũa còn khó hơn. Bởi vậy nên người ta mới nói, cầu kỳ như chơi lũa.