Sự phát triển lên đến đỉnh cao của nghệ thuật cắm hoa ở xứ Phù Tang có thể được lý giải bởi tình yêu của người Nhật đối với thiên nhiên.
Nghệ thuật cắm hoa của Nhật Bản, hay còn được gọi là Ikebana, đã có nguồn gốc từ rất nhiều thế kỷ trước. Bắt nguồn từ một nghi lễ dâng hoa cho Đức Phật, Ikebana đã trở thành một nét nghệ thuật độc đáo không thể thiếu trong văn hóa của người dân xứ mặt trời mọc.
Trong văn hóa Nhật Bản có từ hanakotoba dùng để chỉ “ngôn ngữ của hoa”, có nghĩa bất kỳ một màu sắc, hình dáng, tên gọi nào của mỗi loài hoa đều phản ánh những ý nghĩa riêng. Ikebana còn gọi là kado – “hoa đạo”, trong tiếng Nhật có nghĩa là “mang lại sự sống cho hoa”.
Sự phát triển lên đến đỉnh cao của nghệ thuật cắm hoa ở xứ Phù Tang có thể được lý giải bởi tình yêu của người Nhật đối với thiên nhiên. Vẻ đẹp của thiên nhiên được mọi người ở khắp mọi nơi yêu thích nhưng ở Nhật, người ta thật sự nâng niu, và hiểu rõ giá trị của thiên nhiên, và tình yêu thiên nhiên của người Nhật lớn đến nỗi gần như trở thành một tôn giáo.
Du khách nước ngoài khi đến Tokyo thường hay bất ngờ khi thấy những bình hoa với một hoặc vài bông hoa được treo trên xe, ở các cạnh của kính chắn gió bởi những người lái taxi. Thật khó mà tìm thấy ở Nhật một ngôi nhà nào mà quanh năm không được tô điểm bởi sắc hoa.
Một lần đặt chân vào thế giới nghệ thuật Ikebana, bạn sẽ nhận ra rằng cắm hoa không đơn thuần là một thú vui tao nhã hay một hình thức trang trí nhà cửa nữa. Những bông hoa trở nên sống động và có linh hồn, ẩn chứa bên trong đủ “hỉ, nộ, ái, ố”.
Về cơ bản thì Ikebana không đơn thuần hướng đến việc đưa một phần thiên nhiên vào trong ngôi nhà, mà xa hơn là muốn cho thấy cả một thế giới nhiên bao trùm, bằng cách tạo ra một mối liên kết chặt chẽ giữa trong nhà và ngoài trời.
Trong nghệ thuật cắm hoa Ikebana thường hội tụ đủ:
Quá khứ: dùng hoa nở hết, trái cây khô hay lá cây khô.
Hiện tại: dùng hoa nở nửa chừng hay lá cây hoàn hảo.
Tương lai: dùng nụ hoa, nụ lá để hứa hẹn sự tăng trưởng sắp tới.
Sự cân nhắc về vật liệu sử dụng cũng cần phải đi đôi với cách xếp đặt, trình bày:
Mùa xuân: cách xếp đặt đầy sức sống với các đường cong biểu hiện sinh lực.
Mùa hạ: cách xếp đặt tỏa ra và tràn đầy.
Mùa thu: cách xếp đặt mỏng và thưa thớt.
Mùa đông: cách xếp đặt đượm buồn và lắng nghỉ.
Ikebana được chi phối bởi một số trường phái tư tưởng nhất định. Mỗi trường phái Ikebana lại có những quy tắc riêng và các phương pháp được quy định chặt chẽ.
Phong cách Rikka: Rikka là phong cách cắm hoa ra đời sớm nhất và vẫn được phổ biến cho đến ngày nay. Rikka thể hiện vẻ đẹp của tự nhiên. Một bình hoa Rikka luôn có 7 cành thể hiện cho đồi núi, thác nước, thung lũng và những sự vật khác trong tự nhiên. Yêu cầu của kiểu cắm hoa này là phải dùng loại bình cao và to, hoa cắm trong bình phải ở tư thế thẳng.
Phong cách Nageire: Trái ngược với quy tắc “bất di bất dịch” của Rikka, Nageire có nghĩa là “ném vào”, hướng tới sự tự do và phóng khoáng. Nét đặc sắc của phong cách Nageire thể hiện qua việc hoa cắm vào chậu không theo một phương thức gò bó, cứng nhắc nào nhưng lại theo kiểu ngẫu hứng, tự nhiên.
Phong cách Seika: Seika là sự kết hợp hoàn hảo giữa Rikka và Nageire xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 18. Seika thể hiện vẻ đẹp tự nhiên của cây cỏ một cách giản dị bằng việc sử dụng ít cành lá và hướng về mặt trời. Seika theo thuyết tam tài: thiên – địa – nhân, có ba cành chính có tên là shin, soe và tai tượng trưng cho sự hòa hợp của trời, đất và con người. Đây là lối cắm không thể thiếu trong ngày đầu năm mới của người Nhật.
Phong cách Moribana: Những năm gần đây, hốc tường tokonoma trưng bày chậu hoa phong cách Ikebana truyền thống không còn được xem là khu vực “thiêng” như ngày xưa, nhất là trong lối kiến trúc Nhật Bản dựa theo phương Tây hiện đại. Xu hướng không gian mở ngày nay đòi hỏi chậu hoa Ikebana phải được ngắm nhìn ở mọi góc, khác hẳn hoàn toàn so với cách thưởng thức hoa của những người thời trước. Trong khi Seika buộc phải được đặt ở hốc tokonoma và sẽ được người ngồi ở dưới sàn ngắm trực diện, phong cách Moribana (nghĩa là “chồng chất”) sắp xếp hoa tự nhiên đảm bảo tính 3 chiều cho phép người ngắm có thể nhìn thấy chậu hoa ở các góc khác nhau.
Phong cách Ikebana đương đại: Các phong cách cổ điển truyền thống như Rikka và Seika luôn là nền tảng cho các phong cách cắm hoa khác, nhưng nét hiện đại vẫn được thể hiện qua nhiều loại vật liệu mới mà ngày xưa chưa từng được dùng trong nghệ thuật Ikebana. Một chậu hoa sẽ trở nên độc đáo và truyền cảm hứng hơn khi có thêm vài dòng màu tô điểm. Chậu hoa này có thể cắm theo phong cách đương đại nếu nghệ nhân biết các sử dụng vật liệu trang trí không phải là những loài thực vật sống.
Trà Hoa Lũa – Chốn an tĩnh giữa lòng Hà Nội
Những tác phẩm và không gian bình an gợi ý của Lũa Decor được trưng bày tại Trà Hoa Lũa 217A Trường Chinh. Đây còn là phòng trà, lớp học để giao lưu kết nối, là nơi an tĩnh để mọi người chậm lại, thực tập lối sống an lành và trân trọng những điều không hoàn hảo. Bằng tâm huyết cùng tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời, Lũa Decor kỳ vọng tạo nên những không gian của yêu thương gắn kết, những góc bình an để mỗi người tìm về trú ngụ.
Lũa Decor và nghệ nhân Thanh Hiền đã làm sống lại các gốc gỗ lũa, trở thành tác phẩm nghệ thuật độc bản, những vật dụng thường ngày trong đời sống của người Việt.
Chi tiết về sản phẩm và dịch vụ tại Lũa Decor, liên hệ:
Lũa Decor – Art & Craft manufacturer
Địa chỉ: 217A Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 0395079699
Website: luadecor.vn
Fanpage: facebook.com/luadecor.vn